Các mẫu xe AWD On-Demand chủ yếu sẽ là xe thể thao, CrossOver, CUV, một vài dòng SUV cỡ nhỏ như: Mazda CX 3-5-9 (ly hợp tự động), Suzuki Swift AWD, Ignis AWD (khớp nối nhớt), Vitara AWD đời mới 2015 (ly hợp tự động) trở đi cũng dùng dạng này, Santa Fe và Tucson đời cũ khoảng 200x - 201x (ly hợp tự động) cũng dùng hệ thống này
Ngoài ra còn có thế hệ đầu tiên của 4Mactic từ Mercedes-Benz (ly hợp tự động), 4Motion của Volkswagen (ly hợp tự động) cho những xe có máy nằm ngang, Audi Quattro trên R8 (khớp nối nhớt) và Haldlex (ly hợp tự động) trên Audi S1, A3, S3, TT, Range Rover Evoque, BMW xDrive với các xe máy ngang như X1, 1 series, 2 series. Hệ thống S-AWC của Mitsubishi Outlander (ly hợp tự động) hay Control Trac của Ford Escape đời đầu, hay thậm chí HTRAC của Huyndai mới giới thiệu gần đây cũng là dạng này.
Và thông thường để tiết kiệm chi phí, các nhà sản xuất cũng chỉ trang bị 2 vi sai mở trước và sau. Để bù đắp cho việc thiếu hụt chức năng khoá vi sai, các nhà sản xuất sẽ thêm vào tính năng Traction Control và Torque Vectoring - sử dụng hệ thống phanh xe để "chống trượt" và phân bổ lực cho bánh xe. Chỉ có số ít dòng xe cao cấp là có thể sẽ có khoá vi sai cầu sau.
Khả năng vận hànhVận hành tốt:
- Đường nhựa, đường bê tông, đường có độ dốc cao, đường trơn và trời mưa thì xe vẫn sẽ có độ bám đường tốt.
Vận hành với sự lưu ý:
- Hầu hết với các dạng AWD On-Demand, xe vẫn có 1 trục dẫn động chính và 1 trục dẫn động phụ. Bạn nên biết xe mình có trục chính là trục nào vì cơ bản hệ thống truyền động sẽ không thể truyền hoàn toàn 100% công suất cho trục dẫn động phụ mà thường chỉ có thể phân bổ tối đa 50% công suất đến trục dẫn động phụ mà thôi
- Bạn cần biết hệ thống truyền động là dạng gì, là dạng khớp nối nhớt (Viscous Coupling) hay là dạng ly hợp điều khiển điện tử. Vì độ trễ của việc phân bổ lực của 2 dạng rất khác nhau. Với các dòng xe hiện đại ngày nay thì chủ yếu dùng dạng điện tử
- Các bạn cũng nên tìm hiểu xem xe của mình có các hệ thống bổ trợ như khoá vi sai cầu, Traction Control hay Torque Vectoring không
- Và từ đó có thể thấy rằng khả năng vận hành ở đường xấu của AWD On-Demand chỉ có thể nhỉnh hơn 2WD đôi chút. Bạn có thể kênh 1 bánh dẫn động nhưng xe vẫn chưa mắc kẹt.
- Với khuyến cáo của mình, đường đất cứng vẫn sẽ ổn trong đại đa số trường hợp. Đường đất mềm thì nên cẩn thận hơn
Không nên vận hành:
- Đối đường đất lầy, cát, băng, tuyết dày, trường hợp có thể bị kênh 2 bánh chéo nhau thì nên tránh.
- Vì bản thân AWD On-Demand phụ thuộc nhiều cả về phần cứng lẫn phần mềm của xe mà mỗi nhà sản xuất sẽ tối ưu khác nhau dẫn đến kết quả rất khác nhau. Nên cân nhắc kĩ nếu muốn đi Offroad, có thể rủ AWD Fulltime và 4WD đi cùng
AWD Fulltime sẽ sử dụng vi sai trung tâm để phân bổ lực đến cả 4 bánh toàn thời gian xe chạy. Xe sẽ không bao giờ có thể chạy bằng 1 cầu. Thông thường trên xe sẽ chỉ thấy các lựa chọn 4H mà không có lựa chọn 2H
AWD Fulltime sẽ chia ra 2 dạng chính phục vụ 2 mục đích riêng biệt.
Dạng đầu tiên trong AWD Fulltime, các nhà sản suất hướng đến việc đi đa dạng địa hình và xe có khả năng Offroad nhẹ nhàng
- Dạng này sử dụng vi sai trung tâm có thể khoá và mở thủ công. Thường gặp ở các dòng xe CUV, SUV như: Suzuki Grand Vitara 2001-2015, Land Rover Defender đời đầu, Discovery 1, 2, Range Rover 1970-1995, Range Rover 1994-2002.
- Ngoài ra còn có Audi Quattro thế hệ 1, trang bị khoá vi sai trung tâm và cầu sau, 4Matic thế hệ 2 trang bị 3 vi sai mở (mà không có khoá vi sai trung tâm) + Traction Control
- Thường với các mẫu xe này có thể nhận dạng bằng các nút chế độ như là 4H-4HL-4LL hoặc 4H-4L và nút khoá vi sai trung tâm riêng biệt
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2023/02/6324986_Screenshot_2023-02-10_at_14.28.31.png)
Khả năng vận hành:
Vận hành tốt:
- Chế độ 4H: Đường nhựa, đường bê tông, đường có độ dốc cao, đường trơn trượt, đường đất cứng, đường trơn trời mưa, hoặc tuyết nhẹ nhàng thì xe vẫn sẽ có độ bám đường khá tốt.
Vận hành với sự lưu ý:
- Đối với đường đất trơn trượt, tuyết dày, cát cứng, khi sử dụng chế độ 4HL và 4LL tức là có khoá vi sai trung tâm, xe có thể vượt qua huống cả 2 bánh trước hoặc 2 bánh sau bị trượt
- Còn trường hợp bị trượt 1 bánh trước và 1 bánh sau (cùng phía hay khác phía) thì xe sẽ gặp khó nếu không có các công nghệ bổ trợ dù đã khoá vi sai trung tâm. Lúc này khoá vi sai cầu sau hoặc Traction Control có thể sẽ có tác dụng
- Đi ra biển hay đồi cát thì có khả năng vẫn đi được, nhưng đừng quá liều lĩnh nếu đi một mình nếu đó là cát lún
Không nên vận hành:
- Không nên vận hành chế độ 4HL và 4LL ở trên đường nhựa với ma sát tốt vì khi đó vi sai trung tâm sẽ khoá lại. Khi ôm cua, kể cả trong trường hợp trời mưa, bánh xe và mặt đường vẫn có ma sát đủ lớn để 2 cầu có 2 tốc độ khác nhau nhưng trục láp lại bị khoá cứng vào nhau, nhẹ thì gây mòn lốp, nặng thì có thể gây xoắn, biến dạng, hư hỏng trục, láp và cầu.
Dạng thứ hai AWD Fulltime, các nhà sản suất hướng đến việc đi nhanh trên đường đẹp với nhiều độ bám nhất. Chúng ta sẽ thường thấy ở các mẫu xe thể thao, sedan hiệu suất cao và một số ít CrossOver
- Dạng này sử dụng vi sai trung tâm chống trượt hoặc khoá tự động, thậm chí một số hãng sử dụng vi sai trung tâm có khả năng phân bổ mô-men hoặc có mẫu sử dụng hệ thống phân bổ mô-men điện tử. Các bạn có thể xem thêm trong bài viết này phân biệt các loại AWD khác nhau
- Thường chọn chế độ cũng sẽ là dạng Eco - Auto - Sport - Rain - Race - Fly - Drift vân vân mây mây. .
- Thường gặp ở các dòng xe như 4Mactic thế hệ 4 của Mercedes-Benz, 4motion của Volkswagen cho các xe có cấu hình máy dọc, Audi Quattro thế hệ 2 đến 6, BMW xDrive trên X3, 4, 5, 6, 6 series, 4x4 của Land Rover Discovery 3, 4. Subaru cũng sử dụng phương pháp này cho hầu hết các xe S-AWD
Khả năng vận hành:
Vận hành tốt:
- Đường nhựa, đường bê tông, đường có độ dốc cao, đường trơn trượt, đường đất cứng, đường đua rally, trời mưa, hoặc tuyết nhẹ nhàng thì xe vẫn sẽ có độ bám đường khá tốt. Vào cua tốc độ cao không sợ thiếu lái thừa lái, càng tự tin hơn nếu có công nghệ Torque Vectoring, hệ thống ổn định thân xe...
Vận hành với sự lưu ý:
- Vì sử dụng dạng vi sai tự khoá hay phân bổ mô-men cơ học thì hầu như sẽ không có độ trễ. Tuy nhiên, nếu là hệ thống điện tử thì có thể vẫn sẽ có độ trễ tuy rằng rất nhỏ
- Không hẳn là xe để đi offroad nên cũng cần lưu ý vì chưa chắc xe đã vượt qua được tình huống 1 bánh kênh lên đâu. Vì vi sai tự khoá và chống trượt mặc dù có thể tự phân bổ mô-men tức thời trong các tình huống mất độ bám nhưng khi 1 bánh bị kênh lên không còn chút độ bám nào thì nó lại như vi sai mở, bánh kênh lên xoay tít, và cần các giải pháp hỗ trợ có thể giúp trong trường hợp này
Không nên vận hành:
- Không hẳn là xe để offroad nên tốt nhất đừng offroad mạnh quá, có thể đi cát cứng, đất cứng, đất mềm nhưng đừng đi vào cát lún hay vũng bùn
Ngoài ra, có một hệ thống AWD Fulltime nữa mà có thể cân bằng cả 2 nhu cầu trên, vừa đi offroad vừa đi đua, chính là hệ thống 4Mactic+ trên Mecerdes G63. Vừa có khả năng phân bổ mô-mem tự động theo nhu cầu, vừa có khả năng khoá cứng vi sai trung tâm và cả vi sai trước sau cùng hàng tá công nghệ hỗ trợ. Rất recommend mẫu xe này nếu anh em có cả nhu cầu đua và offroad


Cùng là dẫn động 4 bánh bán thời gian, nhưng mọi người sẽ cần lưu ý điểm quan trọng đó là xe có được trang bị vi sai trung tâm hay không.
Nếu không có vi sai trung tâm, đó sẽ là 4WD cổ điển.
Nếu có vi sai trung tâm, đây sẽ là 4WD hiện đại.
Mình có viết rất chi tiết để phân biệt hai loại 4WD đó trong bài viết này phân biệt giữa 4WD với AWD
Với cấu hình 4WD cổ điển, xe sẽ có Transfer Case (hay còn gọi là hộp số phụ) để truyền lực từ động cơ ra cầu trước và cầu sau tuy nhiên lại truyền ở dạng khoá cứng 2 cầu này cùng lực, cùng tốc độ.
Để nhận biết dòng xe này, chủ yếu nhìn vào cần số phụ hoặc núm chỉnh cầu, thường sẽ chỉ có 2H-4H-4L

Các dòng xe phổ biến có trang bị này chủ yếu là SUV và bán tải, có thể kể đến như: Mitsubishi Pajero Gen 1, 2, 3 bản thiếu, Triton đời cũ Land Cruiser đời cũ như Land 80, 100, 105…. Đời mời thì Toyota Fortuner, Hilux, Ford Ranger... cũng sử dụng cấu hình này